Minds.com Là Gì? Mạng Xã Hội Minds Siêu Bảo Mật Có Thể Kiếm Tiền

Minds.com là gì, tìm hiểu mạng xã hội Minds vì sao trở thành cơn sốt với làn sóng di cư khỏi Facebook. Hiện mạng xã hội Minds đã có bản web và mobile (cả Android lẫn iOS) nên mọi người dễ dàng đăng ký Minds để tham gia. Minds được đánh giá là siêu bảo mật và có cơ chế tiền thưởng để giúp thành viên kiếm tiền khá hấp dẫn. Tuy nhiên, Minds vẫn là cái tên khá xa lạ với người dùng Việt Nam vì cái bóng quá lớn của gã khổng lồ Facebook.

Minds.com là gì?

Minds.com là một mạng xã hội giống như Facebook, Twitter hay Instagram, Youtube nhưng có những nguyên tắc và tính năng riêng. Điểm khác biệt khiến người dùng Việt Nam quan tâm tới Minds chính là cam kết quyền bảo mật tuyệt đối của hệ thống, đồng thời bạn có thể được trả tiền nhờ việc xây dựng nội dung và các hoạt động tương tác khác.

Minds do chuyên gia về mã hóa William Ottman (sinh năm 1985) cùng với những người bạn gồm John Ottman, Mark Harding, Ian Crossland và Jack Ottman đã đồng sáng lập vào tháng 2 năm 2011, có trụ sở tại Wilton, Connecticut, Hòa Kỳ. Đến tháng 6 năm 2017, công ty gọi vốn được 1 triệu USD và đến tháng 3 năm 2018 thì Minds phát hành bản beta.

Minds đề cao tính bảo mật khi cam kết tôn trọng quyền riêng tư, tự do ngôn luận và không bị chi phối bởi bất kỳ tổ chức, chính phủ nào, trái ngược với tình trạng kiểm duyệt và mất an toàn của các mạng xã hội khác, mà gần đây nhất là vụ rò rỉ dữ liệu người dùng của Facebook.

Theo thông tin đăng tải, Minds nói rằng hệ thống được xây dựng dựa trên công nghệ Blockchain theo hình thức dữ liệu phân tán, nên không thể bị hack. Tuy nhiên, chuyên gia bảo mật Việt Nam anh Nguyễn Hồng Phúc (fb.com/xnohat) cho biết MXH này chỉ dùng Blockchain cho giao dịch đồng tiền ảo Token mà thôi, chứ toàn hệ thống Minds không dùng. Tính năng phi tập trung cũng là điều còn gây tranh cãi, vì Minds thuê server của Amazon và Google. Anh Phúc còn phát hiện trong thỏa thuận dịch vụ người dùng EULA có đoạn nói họ sẽ cung cấp thông tin cho chính phủ khi được yêu cầu.

Thậm chí, danh sách cố vấn của trang Minds.com có xuất hiện hình ảnh của ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Tổng Biên Tập đầu tiên của báo điện tử Vietnamnet.vn cũng khiến dư luận quan tâm. Chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc tỏ ra nghi ngờ về tính minh bạch và bảo mật của Minds.com, đặc biệt giữa lúc có trào lưu của nhiều người dùng chuyển nhà từ Facebook sang Minds vì nghĩ rằng sẽ được phát biểu tự do hơn.

Một số nguồn tin nói rằng Minds.com được nhóm hacker ẩn danh nổi tiếng thế giới Anonymous chống lưng. Tuy nhiên, dường như Anonymous không tham gia nhiều vào việc xây dựng Minds, đó giống như một chiêu để đánh bóng tên tuổi của nhóm phát triển mà thôi. Việc nói Minds là mạng xã hội phân tán cũng chưa đúng, vì dữ liệu được lưu trữ tại server Mỹ. Chỉ đồng tiền Minds Token mới sử dụng công nghệ Blockchain phân tán mà thôi.

Cách sử dụng Minds có gì khác biệt?

Yêu Tri Thức đã có bài hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng Minds toàn tập, bạn chỉ cần tham khảo ở đó là có thể làm chủ Minds.com được rồi.

Minds gọi trang cá nhân của mỗi người là Kênh (Channel), không có tính năng kết bạn như trên Facebook, thay vào đó là bạn Theo dõi (Subscribe) kênh của người khác để nhận thông tin. Minds cũng có Newsfeed (Bảng tin) để hiển thị các nội dung từ nhiều nguồn giống Facebook, nhưng bên cạnh đó họ phân loại nội dung bằng các tab khác nhau như Video, Hình ảnh, Bài viết (Blogs) và cả các nhóm hội (Groups).

Nếu muốn gửi tin nhắn trên Minds.com, bạn phải thiết lập mật khẩu riêng. Tức ngoài tài khoản và mật khẩu đăng nhập, bạn phải thiết lập mật khẩu Messenger riêng nữa để không ai có thể đọc tin nhắn của bạn.

Điểm khác biệt lớn giữa Minds.com với các mạng xã hội khác như Facebook, Twitter chính là tính năng kiếm tiền. Để phát triển hệ thống và khuyến khích người dùng tham gia tích cực, Minds đã xây dựng đồng tiền điện tử riêng có tên Minds Token. Bạn hãy tìm hiểu bài viết Minds Token là gì để nắm rõ hơn khái niệm, cũng như cơ chế tiền thưởng.

Bạn sẽ nhận được tiền thưởng Minds Token nếu có người Thích, Chia sẻ, Bình luận, Vote hay trả tiền để đọc bài viết của mình. Thậm chí, nếu thu hút lượng xem (view) lớn thì bạn sẽ được trả 1 token/1.000 view. Minds có cơ chế “Bài viết độc quyền”, tức bạn sản xuất bài viết với nội dung chất, ai muốn đọc thì phải trả Token cho bạn để mở bài viết ra.

Đôi nét đánh giá ban đầu về Minds.com

Trải nghiệm ban đầu của Minds.com mà Yêu Tri Thức có được là thấy Minds khá dễ dùng, nhưng chưa hỗ trợ tiếng Việt, chỉ toàn tiếng Anh. CEO Ottman hôm 2/7/2018 tuyên bố sẽ ra mắt bản tiếng Việt trong thời gian tới, vì nhận thấy lượng đăng ký Minds từ Việt Nam tăng đột biến.

Kỳ thực Minds ra mắt từ năm 2011 nhưng “méo” có ai dùng, tự nhiên cộng đồng Facebook Việt Nam nổi lên phong trào chuyển nhà như vậy. Giao diện của Minds mình thấy có 2 điểm bất tiện, chính là phần Newsfeed (bảng tin) với ảnh hiển thị quá lớn, và phần tin nhắn Messenger thấy chẳng trực quan chút nào.  Thuật toán sắp xếp hiển thị tin tức, hình ảnh cũng chưa thể thông minh bằng Facebook, mà đây lại là điểm quan trọng bậc nhất của bất kỳ mạng xã hội nào.

Hạn chế lớn nhất của Minds.com chính là có quá ít người dùng. Theo tiết lộ của CEO Ottman thì trong tháng 6, 7 số người đăng ký ở Việt Nam tăng đột biến lên đến hơn 100.000 tài khoản, nhưng nó cũng quá nhỏ so với 60 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam. Còn về tính năng bảo mật thì chưa ai có thể đứng ra đảm bảo Minds.com là an toàn tuyệt đối.

Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn phần nào hiểu khái niệm mạng xã hội Minds.com là gì. Biết thêm một MHX cũng hay, nhưng để hy vọng Minds phát triển như Facebook thì hơi viễn vông, bởi ngay như Twitter hay Snapchat, Weibo mạnh như vậy mà người dùng Việt cũng chẳng mặn mà nữa là. Dẫu sao, Minds.com có thể mang tới một kênh thông tin bổ ích cho độc giả vì nó có những đặc điểm riêng biệt so với các mạng xã hội khác.

Bài viết liên quan