SSL là gì, chứng chỉ bảo mật SSL dành cho website giúp mã hóa dữ liệu truyền từ máy chủ web tới trình duyệt để bảo vệ cả doanh nghiệp lẫn khách hàng. Ngày nay, SSL càng quan trọng và trở thành tiêu chí hàng đầu của các cỗ máy tìm kiếm và trình duyệt. Nó cũng giúp nâng cao thương hiệu công ty. Chúng ta có thể gọi là chứng chỉ SSL, giao thức SSL, Chứng thư số SSL hay công nghệ SSL đều tương tự nhau.
SSL là gì?
SSL là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Secure Sockets Layer, chúng ta gọi nói là chứng chỉ, giao thức hay công nghệ SSL đều được. SSL là chuẩn an ninh công nghệ toàn cầu, giúp bảo mật thông tin nhờ việc tạo ra liên kết an toàn giữa máy chủ (Web Hosting) và trình duyệt (Chrome, FireFox, IE).
Dữ liệu website đường truyền trên môi trường internet theo những giao thức nhất định, trong đó công nghệ SSL giúp mã hóa để bảo vệ dữ liệu truyền giữa các máy chủ tới trình duyệt được an toàn, riêng tư và tách rời nhất. Ví dụ như ta đăng nhập vào tài khoản ngân hàng Online, thì mật khẩu và username được truyền đi để xác thực, nhưng nếu không mã hóa tốt thì dữ liệu có thể bị tin tặc đánh cắp.
SSL là chuẩn công nghệ được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, với hàng triệu website sử dụng giao thức này để bảo vệ các giao dịch trực tuyến của khách hàng. Google hiện xếp SSL là một trong những tiêu chí xếp hạng website trên thanh công cụ của mình. Các trình duyệt như Firefox, Chrome, IE, Microsoft Edge đã có tính năng cảnh báo “Không an toàn” đối với những website không hỗ trợ chứng chỉ SSL (khóa màu xanh ở đầu địa chỉ, hoặc tên doanh nghiệp màu xanh).
Quá trình kiểm tra chứng chỉ SSL của trình duyệt
Khi gõ địa chỉ website lên thanh địa chỉ, thì web đó sẽ gửi cho trình duyệt một chứng chỉ SSL, tiếp đó trình duyệt sẽ gửi chứng chỉ này tới một máy chủ độc lập của bên thứ 3, nơi lưu trữ các chứng chỉ số đã được phê duyệt, do các công ty uy tín như GlobalSign, VeriSign hay như Let’s Encrypt lập ra.
Xét trên khía cạnh kỹ thuật, thì công nghệ SSL sử dụng chuẩn mã hóa công khai, giúp cho website và trình duyệt tự thỏa thuận với nhau một bộ khóa dùng chung suốt quá trình trao đổi thông tin. Nên nhớ, bộ khóa này sẽ thay đổi trong mỗi lần giao dịch, vì thế người khác sẽ không thể giải mã nó ngay tại thời điểm dữ liệu được truyền đi.
Lợi ích của việc sử dụng chứng chỉ SSL
-Lợi ích đầu tiên của việc sử dụng chứng chỉ SSL là giúp mã hóa giữ liệu, vì thế bảo vệ tối đa dữ liệu website và giao dịch người dùng, đặc biệt với những web ngân hàng có thanh toán online.
-Website, dịch vụ mail hay FTP đều tồn tại những lỗ hổng bảo mật nhất định. Vì thế, tin tặc có thể khai thác vào đó để thực hiện hành vi tấn công. Sử dụng giao thức SSL giúp ngăn chặn những đợt tấn công của hacker rất hiệu quả.
-SSL còn giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp. Nếu mở một website mà bạn thấy chứng chỉ SSL dạng ổ khóa xanh, hay tên doanh nghiệp màu xanh ngay trên thanh địa chỉ trình duyệt thì sẽ tạo thiện cảm rất tốt cho khách hàng.
-SSL cũng góp phần vào SEO và tránh việc trình duyệt “Cảnh báo truy cập không an toàn”. Hiện nay, nhiều trình duyệt sẽ bật cảnh báo, nếu web chưa cài SSL thì sẽ có thông báo “Không an toàn”. Mà theo thói quen của người dùng thì họ sẽ lập tức tắt tab mở trang đó, vì sợ nhiễm virus. Google cũng rất ưu ái những website hỗ trợ giao thức bảo mật SSL.
Phân loại chứng chỉ số SSL
1.Chứng chỉ DV – Domain Validated SSL
DV SSL là viết tắc của Domain Validated SSL, tức “Chứng chỉ xác thực tên miền”. Chứng chỉ DV là dạng cơ bản với giá rẻ (hoặc miễn phí) dành cho các khách hàng cá nhân với khả năng mã hóa cơ bản. Domain Validated SSL chỉ cần yêu cầu xác minh quyền sở hữu tên miền, thời gian đăng ký DV SSL và xác minh rất nhanh.
2.Chứng chỉ OV – Organization Validation SSL
OV SSL là Organization Validation SSL, tức “Chứng chỉ xác thực tổ chức” là dạng chứng chỉ SSL cấp cao hơn DV, vốn dành cho các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín cao. Chính vì cần mức độ uy tín lớn hơn, nên OV SSL cũng đòi hỏi quá trình xác thực nghiêm ngặt hơn. Ngoài việc xác minh quyền sở hữu tên miền, OV SSL còn yêu cầu doanh nghiêp xác minh sự tồn tại và hoạt động của họ. Tên doanh nghiệp sẽ được hiển thị chi tiết trên chứng chỉ OV được cấp.
3.Chứng chỉ EV – Exented Validation SSL
EV SSl là viết tắt của Exented Validation SSL, dịch sang tiếng Việt thành “Chứng chỉ xác thực mở rộng”. EV SSL là mức độ xác thực có độ tin cậy cao nhất dành cho các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động. Chứng chỉ này tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của tổ chức CA-Browser Forum, nhất là ở quá trình xác minh doanh nghiệp. Với website được cấp chứng chỉ số EV, thì khi gõ trang trên thanh địa chỉ thì nó sẽ chuyển sang màu xanh lá cây, đồng thời ở đầu sẽ hiển thị tên doanh nghiệp sở hữu website đó. Nhờ thế mà EV giúp nâng cao độ uy tín của website với người dùng.
4.Chứng chỉ Wildcard SSL
Wildcard SSL là chứng chỉ SSL dành cho những website nào có nhu cầu sử dụng giao thức SSL cho nhiều subdomain khác nhau. Wildcard SSL khác với loại SSL thường là có thể chạy trên nhiều tên miền phụ với chỉ một chứng chỉ SSL duy nhất được cấp.
5.Chứng chỉ UC/SAN SSL
UC/SAN SSL là chứng chỉ được thiết kế cho các ứng dụng Communication của Microsoft như Microsoft Exchange Server,Microsoft Office Communications,Lync và cũng là giải pháp tiết kiệm cho các môi trường khác như Share Hosting & QA Testing.
Một số thuật ngữ liên quan tới SSL bạn cần biết
- CSR là gì: CSR viết tắt bởi Certificate Signing Request, là một file chứa khoá cần thiết để yêu cầu cấp SSL.
- SSL site seal là gì: SSL site seal là logo được cung cấp miễn phí bởi nhà phát hành SSL (Comodo, GeoTrust, Symantec.v.v.). Người dùng khi truy cập vào website của quý khách sẽ thấy biểu tượng logo bảo mật này, tăng độ tin cậy cho website.
- CA là gì: Certificate Authority (CA là tổ chức phát hành các chứng thực các loại chứng thư số cho người dùng, doanh nghiệp, máy chủ (server), mã nguồn, phần mềm.
Hy vọng bài viết của yeutrithuc.com đã cung cấp cái nhìn tổng quan về khái niệm giao thức SSL là gì và tầm quan trọng của công nghệ này. Nếu website bạn chưa cài SSL thì có thể dùng chứng chỉ Let’s Encrypt miễn phí. Có điều kiện hơn, bạn nên mua một chứng chỉ SSL trả phí để tăng cường bảo mật và trông chuyên nghiệp hơn.